Lan Đột Biến là gì ?
Những ngày qua, khi “cơn sốt” hàng 5ct (năm cánh trắng) lên cao, không ít anh chị em chơi lan đã thắc mắc về lan đột biến là gì?
Các khái niệm về Đột biến, Thường biến trong thực vật được nói rất kỹ và rõ ràng như sau :
1. Biến dị di truyền - Đột biến.
Nguyên nhân do sự thay đổi về cấu trúc hoặc số lượng của vật chất di truyền (gen, ADN, NST) nên có thể di truyền được cho các thế hệ sau.
2. Biến dị không di truyền - Thường biến.
Do sự tác động của các yếu tố từ điều kiện ngoại cảnh làm thay đổi mức phản ứng của kiểu gen mà không có sự thay đổi về cấu trúc và số lượng của vật chất di truyền nên không thể di truyền được.
Lan đột biến 5CT
Đối với Hoa Lan thì nó cũng không nằm ngoài những khái niệm này. Vậy chúng ta có thể phân biệt như sau :
- Những cây hoa lan có kiểu hình đơn lẻ khác với quần thể, nhưng vẫn có khả năng sinh sản và di truyền sự khác biệt về kiểu hình đó đến đời sau thì được gọi là cây
Lan đột biến.
- Những cây lan có kiểu hình khác biệt đồng loạt ở 1 vùng khí hậu nào đấy, không thể di truyền kiểu hình khác biệt ấy cho đời sau thì là cây lan thường biến.
- Cây
lan đột biến, có thể đời sau không thể hiện kiểu hình khác biệt nữa, đơn giản bởi vì kiểu hình khác biệt ấy nằm trong gen lặn, nó không thể hiện kiểu hình đó khi có gen trội song hành.
- Cây
lan đột biến thể hiện liên tục kiểu hình khác biệt cho nhiều đời sau, khi đủ lâu, đủ số lượng cá thể các đời thì có thể tách ra thành loài mới.
Lan Đột biến 5CT - Bảo Duy (Ảnh minh họa)
Ví Dụ: Trường hợp cây mẹ là cây đột biến như cây 5ct, trắng tuyền (hàng rừng), chớp, lá biên,…thì cấu trúc nhiễm sắc thể của nó lỏng lẻo. Bộ nhiễm sắc thể này đang ở một trật tự mới (mới nên gọi là đột biến – chưa có từ trước đến giờ) nên nó rất kém bền. Cấu trúc nhiễm sắc thể mới dễ thay đổi dưới tác động của điều kiện bên ngoài.
Trường hợp này chúng ta có thể thấy rõ ở lan giả hạc. Với đặc điểm là cấu trúc nhiễm sắc thể lỏng lẻo nên chúng rất dễ thay đổi cấu trúc hình thể như thân, lá, hoa ở những điều kiện nhiệt độ, ánh sáng khác nhau chúng khác nhau. Chính đặc điểm này làm cho lan giả hạc ở mỗi vùng miền khác nhau có hình thái khác nhau.
Và cũng chính đặc điểm này làm cho
lan giả hạc có nhiều dạng đột biến nhất (nào là giả hạc trắng, giả hạc châu như, giả hạc 5ct,…) Do đó với những dòng lan đột biến thì việc cấy mô đỉnh sinh trưởng cũng không mang lại kết quả 100% giống mẹ (do tác động của môi trường, hóa chất phòng thí nghiệm,…)
Tại sao hoa lan đột biến lại đắt tiền?
Vài năm trở lại đây, giới chơi hoa lan lại dấy lên phong trào tìm kiếm hoa lan đột biến tự nhiên có màu sắc, hình dáng độc, lạ. Người chơi lan chấp nhận chi vài triệu đồng cho một Cen - ti - mét nhánh lan Phi điệp năm cách trắng Phú Thọ; Phi điệp Lâm Hải; Đai châu, Tam bảo sắc đột biến...Một giò lan đột biến nhiều khi có giá hàng trăm triệu đồng để cả tỷ đồng vẫn có người tìm kiếm sở hữu bằng được. Hoa lan đột biến lại quý và có giá trị "đắt như tôm tươi"
Lý giải về độ quý hiếm của hoa lan đột biến trong tự nhiên, GS. TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Công nghệ Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cho biết: "Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen xảy ra ở cấp độ phân tử tại một điểm nào đó trên phân tử ADN và có liên quan đến sự thay đổi về số lượng, thành phần, trật tự các cặp nucleotide trong gen. Có rất nhiều kiểu biến đổi về cấu trúc gen, trong đó những biến đổi liên quan đến 1 cặp nucleotit trong gen được gọi là đột biến điểm..."
GS. Quý cũng cho biết thêm, trong tự nhiên, tất cả các gen đều có thể bị đột biến không riêng gì hoa lan nhưng với tần số rất thấp (1/1000000-1/10000). Tuy nhiên tần số đột biến có thể thay đổi tùy thuộc vào các tác nhân gây đột biến. Tác nhân gây đột biến có thể là các chất hóa học (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,...), các tác nhân vật lý như tia phóng xạ (Tia X, Tia α, Tia β...) hoặc các tác nhân sinh học như virus có trong cơ thể hoặc môi trường bên ngoài cơ thể. Đột biến gen có thể xảy ra ở tế bào sinh dưỡng và tế bào sinh dục.
Nghệ nhân Hùng Xiếc choáng với một mầm lan có giá 10 triệu đồng
"Đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, không định hướng ở cơ thể sống trong điều kiện tự nhiên nên đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, một số ít có lợi và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống. Vì vậy, một giống hoa lan đột biến có được màu sắc đẹp, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm quến rũ...thực sự là một báu vật trời cho. Đây là nguyên nhân chính làm cho những giống này trở nên quý giá và hấp dẫn người chơi lan", GS. Quý phân tích.Theo dân sành chơi lan rỉ tai nhau về những vườn làn đang sở hữu nhiều loài lan đột biến hiếm có khó tìm. Chúng tôi cùng GS. Quý và một số nghệ nhân Sinh Vật Cảnh của Hà Nội đã tìm đến Vườn lan Tấn Phong (Hà Đông), Vườn lan Lâm Hải (Hải Dương). Phải tận mắt chứng kiến những mẩu "Key lan" được bảo quản cẩn thận hơn cả vàng trong phòng thí nghiệm lạnh tiêu chuẩn mới thấy hết sự trân trọng của người yêu lan. Và quả thật, khi ngắm những bông hoa lan đột biến ngay cả người ngoại đạo cũng không cầm được cảm xúc xao xuyến trước vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật.
"Còn gì tuyệt vời hơn đối với một người chơi lan chuyên nghiệp khi cả đời lặn lội may mắn và phúc phần quá lớn mới có duyên gặp, sở hữu được một chi lan đột biến mới tinh chưa có tên trong danh sách thực vật toàn cầu. Sở hữu hoa lan độc, lạ và gắn cho nó những cái tên của con cái mình...Những thứ đó thực sự còn quý hơn cả vàng. Đắt mấy cũng có người am hiểu tìm kiếm, sưu tầm sở hữu", anh Nguyễn Huy Tấn, chủ nhà Vườn Hoa lan Tấn Phong chia sẻ.